7 bài học kinh nghiệm để tăng cường công tác đảm bảo, kiểm định chất lượng GDĐH
GDVN-Trên bình diện chính sách, thực thi, đảm bảo chất lượng bên trong và bên ngoài. Đặc biệt là vấn đề về nhân sự kiểm định vẫn còn hạn chế và cần giải pháp khắc phục.
 
Một thực tế không thể phủ nhận là công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định đã đạt được bước tiến lớn so với cách đây gần 20 năm. Đó là đã thiết lập được hệ thống văn bản quản lý về đảm bảo chất lượng, giúp tạo hành lang pháp lý để triển khai công tác kiểm định chất lượng trong các cơ sở giáo dục đại học.
Ảnh minh họa: Trường Đại học Trà Vinh 
 

Chúng ta đã xây dựng và phát triển các tổ chức kiểm định chất lượng, hình thành mạng lưới các trung tâm kiểm định chất lượng gồm có 7 tổ chức được thành lập và cấp phép hoạt động, trong đó 4 tổ chức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập (Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Đà Nẵng và Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - Trường Đại học Vinh) và 2 tổ chức do Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thành lập (Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long, Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn).

Tính đến tháng 9/2021 đã đào tạo và cấp thẻ kiểm định viên giáo dục đại học và trung cấp trên 2.400 người. Trên bình diện kiểm định, đã triển khai được các hoạt động kiểm định chất lượng đại học với 174 lượt, kiểm định 164 cơ sở giáo dục đại học, kiểm định chất lượng 300 chương trình và kiểm định 279 chương trình giáo dục đại học.

Điều đáng chú ý là từ năm 2010-2021 có 216 chương trình đào tạo được các tổ chức nước ngoài kiểm định và công nhận. Đặc biệt là đã góp phần thay đổi nhận thức của các bên liên quan nhất là giảng viên và cán bộ quản lý của các trường đại học. Điều này rất quan trọng để thúc đẩy tự chủ giáo dục đại học và thực thi trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học.

Tuy nhiên, cũng cần chỉ ra một số hạn chế chính trên bình diện chính sách, thực thi, đảm bảo chất lượng bên trong và bên ngoài. Đặc biệt những vấn đề về nhân sự kiểm định.

Những hạn chế trong công tác đảm bảo chất lượng giáo dục đại học

Hạn chế ở cấp xây dựng chính sách: có thể thấy tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn chưa kịp thời, đồng bộ, thường thay đổi đã gây những khó khăn nhất định cho cấp thực thi. Thiếu sự phối hợp của cơ quan được giao quản lý nhà nước về quản lý chất lượng với các Cục, vụ liên quan trong Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như các với các Bộ, ngành.

Việc ban hành các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục đại học thiếu tính kế thừa và thiếu tính hệ thống; đôi khi chưa cập nhật với sự thay đổi mạnh ở môi trường giáo dục đại học như sự tự chủ hay các ngành đào tạo mới mang tính liên ngành, xuyên ngành và những ứng dụng công nghệ dạy học mới.

Quy trình kiểm định chất lượng còn chưa thực sự bảo đảm tính độc lập, khách quan và minh bạch. Nguyên tắc độc lập của các tổ chức kiểm định chất lượng chưa được giải thích tường minh về mặt pháp lý và chưa bảo đảm trên thực tế. Năng lực của hệ thống đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm, năng lực đội ngũ kiểm định viên còn hạn chế. Việc giám sát trách nhiệm giải trình và thực hiện chức năng nhiệm vụ của các trung tâm kiểm định chất lượng chưa được thực hiện bởi cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo.

Nhân sự làm công tác kiểm định chất lượng được bồi dưỡng theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa phù hợp với bản mô tả việc làm và năng lực yêu cầu đối với hai cách tiếp cận kiểm định chất lượng (kiểm định cơ sở đào tạo và kiểm định chương trình). Tính chuyên nghiệp của nhân sự làm công tác kiểm định chất lượng còn hạn chế. Trong lựa chọn ưu tiên khi nguồn lực gặp hạn chế, tự chủ giáo dục đại học, mô hình quản trị còn khác biệt so với tự chủ của thế giới... nên dành ưu tiên kiểm định chương trình hơn là kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo, sẽ có ý nghĩa hơn nhiều giúp cải thiện chất lượng chương trình.

Đặc biệt ở những ngành đào tạo đòi hỏi tính chuyên nghiệp như giáo dục, y tế, luật, kế toán, kỹ thuật công nghệ... chưa có chính sách thành lập các tổ chức kiểm định chuyên biệt (theo ngành - sector) như nhiều quốc gia khác. Đặc biệt, quy định về quản lý rủi ro trong quá trình đảm bảo chất lượng dường như chưa được đề cập ở các quy định kiểm định.

Hạn chế của cơ quan kiểm định chất lượng: Công tác kiểm định chất lượng, trong đó đội ngũ cán bộ chuyên trách, đánh giá viên và kiểm định viên còn thiếu; các trung tâm kiểm định chất lượng hoạt động chưa đồng đều; việc thực hiện kiểm định chất lượng cấp chương trình chưa được đầu tư thích đáng, tiến độ thực hiện còn chậm.

Tính độc lập của các trung tâm kiểm định chất lượng còn nhiều vấn đề chưa được quy định rõ. Tư vấn chuẩn bị báo cáo tự đánh giá trước đánh giá ngoài theo Thông tư 61/2012/TT-BGDĐT quy định tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có chức năng: "Tư vấn cho các cơ sở giáo dục thực hiện cải tiến chất lượng sau khi được kiểm định chất lượng giáo dục". Điều này dấy lên lo ngại về tính minh bạch trong kiểm định chất lượng.

Hợp tác quốc tế trong kiểm định chất lượng còn chưa phát triển để hình thành sự kiểm định lẫn nhau về kết quả kiểm định cũng như chia sẻ kinh nghiệm. Trung tâm kiểm định chất lượng vẫn thiếu việc theo dõi, giám sát và chịu trách nhiệm với những kết luận, khuyến cáo cải tiến chất lượng của cơ sở giáo dục đại học được cấp chứng nhận kiểm định. Thiếu thống nhất trong các trung tâm kiểm định về tài chính, cơ chế bất cập dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh và dẫn đến ý nghĩa, giá trị của các chứng nhận kiểm định do mỗi trung tâm cấp không đồng đều.

Hạn chế trong công tác đảm bảo chất lượng của nhà trường: Hạn chế lớn nhất của công tác đảm bảo chất lượng bên trong nhà trường là ý thức của các cấp lãnh đạo quản lý và sự quan tâm đầu tư phát triển đội ngũ nhân sự đảm bảo chất lượng. Kinh phí dành cho công tác đảm bảo chất lượng nhà trường còn hạn chế. Chưa hình thành văn hóa chất lượng một cách phổ biến trong nhà trường từ cán bộ quản lý đến giảng viên, sinh viên và đội ngũ viên chức khác.

Xuất hiện ý thức đối phó, mục đích chỉ cần có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng làm giảm ý nghĩa của công tác kiểm định chất lượng và đảm bảo chất lượng một cách bền vững. Nguồn lực và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác rất hạn chế, việc cải tiến chất lượng liên tục gặp phải thách thức không nhỏ. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất lượng và cơ sở dữ liệu nhìn chung chưa cung cấp hiệu quả để nhà trường cải thiện công tác quản lý chất lượng.

Vấn đề nhân sự kiểm định chất lượng

Tiêu chuẩn tuyển chọn nhân sự tham gia đánh giá ngoài (cơ sở đào tạo và chương trình) theo Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 quy định kiểm định viên phải là người có tư cách, đạo đức tốt, trung thực và khách quan; có đủ sức khỏe đảm bảo thực hiện được các nhiệm vụ được phân công.

Về kinh nghiệm phải có thời gian giảng dạy hoặc làm công tác quản lý giáo dục từ 10 năm trở lên hoặc có ít nhất 5 năm kinh nghiệm quản lý (trừ thành viên của đoàn là nhà tuyển dụng thì không cần có kinh nghiệm này).

Trưởng đoàn đánh giá ngoài là người đã hoặc đang là lãnh đạo cơ sở giáo dục hoặc giữ các chức vụ khác tương đương hoặc cao hơn, am hiểu về đánh giá, có kinh nghiệm triển khai các hoạt động tự đánh giá, đánh giá ngoài, có thẻ kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục. Thư ký là người am hiểu về kiểm định chất lượng giáo dục, có thẻ kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục, có nhiệm vụ giúp Trưởng đoàn chuẩn bị và triển khai các hoạt động đánh giá ngoài, dự thảo các văn bản của đoàn đánh giá ngoài.

Các thành viên còn lại là chuyên gia từ các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, tổ chức xã hội nghề nghiệp hoặc nhà tuyển dụng lao động tương ứng với lĩnh vực đào tạo của cơ sở giáo dục được đánh giá ngoài, có thẻ kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục hoặc có chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiểm định viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để đào tạo nguồn nhân lực triển khai hoạt động kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản quy định về kiểm định viên kiểm định chất lượng, quy định về chương trình đào tạo kiểm định viên kiểm định chất lượng đại học và trung cấp chuyên nghiệp.

Việt Nam có 3 cơ sở giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo kiểm định viên kiểm định chất lượng là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tuyển chọn và cấp thẻ kiểm định viên kiểm định chất lượng.

Chương trình đào tạo kiểm định viên thời gian trước được thiết kế dựa theo Thông tư số 18/2013/TT-BGDĐT ban hành chương trình đào tạo kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp. Chương trình này có ưu điểm trong đào tạo với việc tự học có hướng dẫn và có phần bài tập để giúp hình thành kỹ năng, không quá nặng về lý luận.

Tuy nhiên, chương trình cho thấy một vài điểm hạn chế như không dựa vào bản mô tả việc của kiểm định viên, yêu cầu về năng lực (kiến thức, kỹ năng, khả năng tự chủ và trách nhiệm) để làm cơ sở xây dựng chương trình. Cách viết mục tiêu đào tạo thiếu tường minh không tiếp cận với kết quả kỳ vọng (expected learning outcomes) ở đầu ra mỗi module. Nội dung kiến thức, kỹ năng trong chương trình thiếu sự gắn kết hỗ trợ hình thành năng lực. Không phân biệt rõ trong nội dung chương trình đào tạo kiểm định viên cơ sở đào tạo và kiểm định viên chương trình đào tạo trong khi năng lực yêu cầu của kiểm định viên kiểm định cơ sở đào tạo và kiểm định chương trình khá khác nhau. Vì thế việc đánh giá, đưa ra nhận xét cũng như những khuyến cáo rất có thể thiếu đi tính thực tế và không giúp nhà trường cải thiện chất lượng hiệu quả.

Vì những điểm còn bất cập đó, đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 14/2022/TT-BGDĐT ngày 10/10/2022, có hiệu lực thi hành từ 25/11/2022, thay thế cho Thông tư 18/2013/TT-BGDĐT.

Vài bài học kinh nghiệm

Bài học 1: Tăng cường năng lực cho nhân lực thiết kế chính sách, cơ chế và thực hiện kiểm định chất lượng, đảm bảo chất lượng nhà trường là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Ở đó tiêu chuẩn năng lực của kiểm định viên và cán bộ liên quan đến đảm bảo chất lượng cần được xây dựng, việc bồi dưỡng cấp chứng chỉ kiểm định viên sẽ căn cứ vào đó.

Bài học 2: Việc xây dựng các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng rất cần đảm bảo tính linh hoạt, mềm dẻo để tránh tiêu chuẩn quá chặt chẽ, sẽ dẫn đến mâu thuẫn giữa khuyến cáo cáo của cơ quan kiểm định chất lượng và tự chủ của nhà trường, hệ quả là tạo ra thách thức với việc nhà trường đổi mới sáng tạo trong bối cảnh thị trường lao động biến đổi và khoa học công nghệ phát triển. Hệ quả kéo theo là hệ thống văn bản thường xuyên thay đổi, nhất là xu hướng đào tạo liên ngành và xuyên ngành như thời gian qua.

Bài học 3: Phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong là yếu tố cốt lõi đối với công tác đảm bảo chất lượng giáo dục đại học bền vững.

Bài học 4: Các trung tâm kiểm định cần được độc lập về tổ chức, về hoạt động chuyên môn với cơ quan quản lý nhà nước và với cơ sở giáo dục đại học. Nội hàm về tính độc lập cần được quy định rõ ràng hơn.

Bài học 5: Đảm bảo chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ giáo dục đại học sẽ giảm dần vai trò của cơ quan quản lý nhà nước với việc mở ngành đào tạo mới để cấp phép. Vì thế, mỗi cơ sở giáo dục đại học rất cần hoàn thiện quy trình nghiêm ngặt việc thẩm định chương trình giáo dục cùng các điều kiện đảm bảo chất lượng khi mở ngành đào tạo mới trên cơ sở tiêu chuẩn chương trình đào tạo chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo quy định của Luật Giáo dục Đại học năm 2018.

Bài học 6: Cần xây dựng văn bản quy định công tác giám sát các trung tâm kiểm định chất lượng trong và ngoài nước về điều kiện thành lập đã đăng ký, về thực hiện các nhiệm vụ và kết quả cũng như tác động của hoạt động kiểm định ở mỗi trung tâm. Điều này không chỉ là yêu cầu minh bạch các hoạt động đảm bảo chất lượng, thúc đẩy cải thiện chất lượng và đặc biệt góp phần làm tăng niềm tin vào giá trị văn bằng do cơ sở Giáo dục và Đào tạo cấp cho người tốt nghiệp.

Bài học 7: Cần có chính sách ưu tiên về nguồn lực đầu tư cho những cơ sở giáo dục đại học làm tốt công tác đảm bảo chất lượng bên trong và xử lý những cơ sở không tuân thủ những quy định về tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng. Một số cơ sở giáo dục và đào tạo được tổ chức kiểm định nước ngoài không đăng ký thành lập và hoạt động ở Việt Nam cấp giấy kiểm định kiểm định cần được quản lý để có chính sách với những cơ sở đó.

Bài viết khác:
 
 
    Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội
Địa chỉ: Tầng 6, Tòa nhà HT2, Khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hà Nội.
Email: ttkdclgd@vnu.edu.vn - Website: Cea.vnu.edu.vn