Việc đánh giá chất lượng các cơ sở GDĐH là quan trọng, đặc biệt là đánh giá mức độ đảm bảo chất lượng về chiến lược, đảm bảo chất lượng về hệ thống, đảm bảo chất lượng về thực hiện chức năng (đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng) và kết quả hoạt động.
Ở cấp độ này, chiến lược và chính sách được chú trọng nhiều hơn, còn chất lượng của từng chương trình đào tạo (CTĐT) có thể bị trung bình hoá, thậm chí khi có đủ thông tin, dữ liệu cũng không thể đủ điều kiện để đánh giá đầy đủ.
Do đó, KĐCLGD cho từng CTĐT khắc phục được hạn chế trên và có thể đưa thông tin của các ngành học cụ thể đến các bên liên quan. Đối với KĐCLGD CTĐT, vấn đề phát triển CTĐT đáp ứng mục tiêu giáo dục và nhu cầu các bên liên quan cần được quan tâm.
Hơn thế nữa các điều kiện và nguồn lực đảm bảo thực thi tốt cho từng CTĐT cần được đánh giá. Cách đánh giá này cho kết quả phân loại chất lượng khá chi tiết cho từng CTĐT khác nhau ngay trong một cơ sở GDĐH.
Thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, ngày 22/6/2021, Bộ GDĐT ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của GDĐH. Với tiếp cận xuyên suốt theo hướng quản lý chất lượng đầu ra, việc “đánh giá đạt chuẩn đầu ra CTĐT” được xem là một yêu cầu mới đối với quản lý chất lượng đào tạo. Cách tiếp cận này sẽ là “cú hích” để cơ sở GDĐH thực hiện cải tiến chất lượng liên tục các CTĐT.
Các phương pháp tiếp cận để xây dựng CTĐT theo chuẩn đầu ra có thể kể đến như thiết kế ngược (Backward Design), thiết kế tương thích (Constructive Alignment), thiết kế giảng dạy tích hợp (Integrated Course Design).
Trong tình hình hiện nay, phương pháp thiết kế ngược có vẻ sẽ hiệu quả nhất vì có thể giúp giảng viên mường tượng được tính khả thi của hoạt động đo lường, từ đó định hướng xác định chuẩn đầu ra cốt lõi và cụ thể hơn.
Việc đánh giá kết quả đạt được chuẩn đầu ra cần được tiến hành một cách toàn diện, đánh giá trực tiếp (theo các học phần, thực tập, đánh giá đồ án tốt nghiệp…) và đánh giá gián tiếp (khảo sát, thảo luận của sinh viên...).
Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐHQGHN phối hợp với Trường ĐHSP Hà Nội khai giảng khóa đào tạo kiểm định viên KĐCLGD đại học và trung cấp chuyên nghiệp đợt 2 - 2021
Xây dựng đội ngũ “bác sỹ giáo dục"
Trên thực tế số lượng kiểm định viên được đào tạo, tập huấn, cấp thẻ hành nghề không phải quá ít, nhưng số lượng kiểm định viên có năng lực tốt để tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ của các đoàn đánh giá ngoài không nhiều.
Hiện nay, nguồn kiểm định viên - đội ngũ “bác sỹ giáo dục” tương lai - đã hoàn thành chương trình đào tạo chờ thi sát hạch để được cấp thẻ khá hùng hậu. Cục Quản lý chất lượng cần quan tâm triển khai nhanh để bổ sung lực lượng, đảm bảo tiến độ và kế hoạch kiểm định chung trong toàn ngành. Tuy nhiên, trước khi triển khai nên có sơ kết, đánh giá năng lực kiểm định viên hiện nay.
Kiểm định viên KĐCLGD phải là người có khả năng thực hiện mục tiêu kép: vừa đáp ứng tốt yêu cầu đánh giá theo đúng quy định của các bộ tiêu chuẩn, vừa có khả năng khuyến nghị, định hướng cho sự phát triển và nâng cao chất lượng cho các cơ sở GDĐH và CTĐT được kiểm định.
Theo đó, chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiểm định viên cần phải có điều chỉnh, bổ sung, nhất là kiến thức và năng lực quản trị ĐH (đối với chuyên gia đánh giá chất lượng cơ sở GDĐH) và đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra (đối với chuyên gia đánh giá chất lượng CTĐT).
Nội dung sát hạch cũng cần phù hợp hơn, kết hợp các kỳ sát hạch là những lần tập huấn, bồi dưỡng; lựa chọn được nhiều kiểm định viên đáp ứng yêu cầu phát triển GDĐH trong chu kỳ mới.
Ảnh minh họa
Kết hợp KĐCLGD, xếp hạng và xếp hạng đối sánh
Phương pháp đánh giá chất lượng GDĐH truyền thống thường được các quốc gia áp dụng là KĐCLGD. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, phương pháp này thường chỉ tập trung đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tối thiểu để cơ sở GDĐH được phép hoạt động, còn mức độ xuất sắc hay việc so sánh giữa các cơ sở GDĐH không được thể hiện nhiều. Ở một mức độ nào đó, đôi khi đánh đồng chất lượng của các cơ sở GDĐH.
KĐCLGD như vậy có thể xem là đánh giá chất lượng 2 mức (đạt và không đạt). Xếp hạng ĐH (ranking) thì quan tâm đánh giá mức độ xuất sắc của chất lượng nhưng lại quá thiên về các chỉ số nghiên cứu nên không toàn diện và chỉ có được khoảng 3% (khoảng 1.000) cơ sở GDĐH theo định hướng nghiên cứu góp mặt. Do đó, xếp hạng ĐH cũng có thể coi là phương pháp đánh giá chất lượng 1000 mức.
Xu thế hiện nay là tích hợp cả kiểm định và xếp hạng thành xếp hạng đối sánh (rating) thông qua việc so sánh với một bộ mốc chuẩn cho các tiêu chuẩn, chỉ báo. Xếp hạng gắn sao QS (tổ chức QS - Anh Quốc), SETARA (tài trợ bởi Bộ ĐH Malaysia), U-multirank (tài trợ bởi Uỷ ban châu Âu) hay UPM (tài trợ bởi Bộ GDĐT, phát triển bởi các chuyên gia của ĐHQG Hà Nội) là đang theo hướng này. Đây là phương pháp đánh giá chất lượng 5 mức. Đối sánh chất lượng giáo dục vẽ nên một bức tranh tích cực về chất lượng của các cơ sở GDĐH, mang thông tin hữu ích, nhiều chiều đến với người học, nhà tuyển dụng.
Hệ thống đối sánh UPM của Việt Nam tích hợp sáng tạo cách tiếp cận phương pháp xếp hạng gắn sao của QS và kiểm định chất lượng của AUN-QA, với các tiêu chí đánh giá đối sánh khác nhau cho hai nhóm ĐH theo định hướng nghiên cứu và ứng dụng.
UPM còn phân biệt cho các nhóm ĐH rất đa dạng từ cơ sở GDĐH đa lĩnh vực đến riêng từng lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ kỹ thuật và khoa học xã hội, đồng thời bổ sung các tiêu chí, chỉ báo mới liên quan đến các xu thế giáo dục mới hiện nay như: nêu cao tinh thần khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đào tạo các thể hoá và nuôi dưỡng các chuẩn mực xã hội… Do đó, UPM đang được nhiều cơ sở GDĐH lựa chọn để quản trị đồng thời cả chất lượng và thương hiệu; công khai chất lượng qua đánh giá độc lập của bên thứ ba.
Theo khuyến nghị của các chuyên gia QS, các bộ tiêu chuẩn đối sánh là công cụ KĐCLGD hiệu quả, cần được sử dụng thường xuyên, trước, trong và sau kiểm định.