Tự chủ đại học đi kèm với kiểm định chất lượng và cơ chế giải trình

Theo GS Đặng Ứng Vận, Trường Đại học Hòa Bình và TS Tạ Thị Thu Hiền Trường Đại học Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội thì: Tự chủ đại học (ĐH) luôn đi kèm với tăng cường năng lực giải trình và chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục ĐH (mà không phải là năng lực thực hiện tự chủ). Vậy ai sẽ là người thay mặt xã hội thực hiện việc giám sát việc “giải trình và chịu trách nhiệm” của một trường tự chủ?

 

Ai kiểm định chất lượng?

Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố các chương trình đào tạo đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, được kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước và nước ngoài. Dữ liệu cập nhật đến ngày 31-1-2021. Theo công bố của Bộ GD&ĐT, có 150 cơ sở giáo dục đại học, 9 trường cao đẳng sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước; 7 cơ sở giáo dục đại học được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn nước ngoài; 235 cơ sở giáo dục đại học và 28 trường cao đẳng sư phạm đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá.

Trong thực tế, có một mối quan hệ giữa tự chủ, nghĩa vụ giải trình và chịu trách nhiệm của các trường ĐH và hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đang được triển khai tại Việt Nam. Đây không chỉ là vấn đề riêng của hệ thống giáo dục ĐH của nước ta mà còn là mối quan tâm chung của các nhà nghiên cứu quản lý giáo dục ĐH trên thế giới.

Theo hai nhà nghiên cứu, thông thường, các cơ sở giáo dục ĐH có trách nhiệm giải trình trong 4 lĩnh vực chính: Chất lượng giảng dạy; Minh bạch đầu ra; Minh bạch tài chính và hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Câu hỏi đặt ra là ai có đủ điều kiện và khả năng đọc, phân tích và phán đoán các báo cáo này, cũng như ai có thể thực hiện chức năng giám sát này một cách hiệu quả để đáp ứng yêu cầu (cho đến nay là rất) trừu tượng của xã hội. Mặt khác, bản thân các cơ sở giáo dục ĐH cũng cần một công cụ quản lý chất lượng hữu hiệu cho các hoạt động đa dạng của trí tuệ và con người (như một bức tranh rực rỡ và nhiều màu sắc) trong một môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn của cơ chế thị trường.

Trong bối cảnh đó, về mặt xã hội, kiểm định chất lượng giáo dục bởi một tổ chức độc lập trở thành một lựa chọn để thực hiện giám sát trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ. Kiểm định chất lượng giáo dục là khâu cuối cùng trong quy trình đảm bảo chất lượng bao gồm xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, tự đánh giá, đánh giá ngoài và kiểm định chất lượng. Tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục là công khai, không phải là những câu hỏi đánh đố, vậy nên các cơ sở giáo dục chỉ có thể đăng ký kiểm định khi đã tự đánh giá đạt tiêu chuẩn.

 Tự chủ đại học đi kèm với kiểm định chất lượng và cơ chế giải trình

Tự chủ ĐH luôn đi kèm với tăng cường năng lực giải trình và chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục ĐH

 

Những khuyến nghị để thúc đẩy kiểm định

Hai nhà nghiên cứu cũng đặt ra khuyến nghị cho rằng: Để thúc đẩy sự phát triển trong tương lai của hệ thống giáo dục ĐH, cần trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH và yêu cầu trách nhiệm giải trình của họ bao gồm quyền tự chủ về tổ chức, tài chính, biên chế và học thuật. Đặc biệt, sẽ tốt hơn nếu cho các cơ sở giáo dục ĐH tự do hơn trong việc đặt ra các tiêu chuẩn tuyển sinh của riêng họ và mở ra các khả năng thích ứng với sự biến động của thị trường lao động và nguồn nhân lực.

Phải khẳng định rằng cơ sở giáo dục ĐH có quyền tự chủ càng cao thì cơ sở giáo dục ĐH càng phải giải trình minh bạch và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Nói cách khác, trách nhiệm và giải trình tỷ lệ thuận với mức độ tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH. Báo cáo giải trình và trách nhiệm của cơ sở giáo dục phải chi tiết, công khai, toàn diện về các lĩnh vực hoạt động của cơ sở giáo dục ĐH và của từng cán bộ, giảng viên, nhân viên.

Hoạt động kiểm định và công nhận, bước cuối cùng của quá trình đảm bảo chất lượng, cần được coi là hoạt động của xã hội để giám sát trách nhiệm và việc thực hiện quyền tự chủ của các trường ĐH. Mặt khác, kiểm định chất lượng sẽ buộc các trường ĐH xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ, giúp các trường ĐH từng bước nâng cao tính tự chủ và tinh thần trách nhiệm để có thể tự quyết định và chịu trách nhiệm cuối cùng về các quyết định này trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ cộng đồng và tài chính.

Tiếp đó, cho triển khai thực hiện định kỳ đánh giá các công cụ đo lường chất lượng giáo dục là các Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục ĐH hoặc chương trình đào tạo.

Hệ thống tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục ĐH ở Việt Nam đã được hình thành và phát triển nhưng tính độc lập chưa thực sự rõ ràng, vì thế cần sớm bổ sung, điều chỉnh và ban hành một mô hình khung về tổ chức và hoạt động của các tổ chức này đáp ứng nhu cầu triển khai các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, thúc đẩy việc thực hiện tự chủ đại học đạt hiệu quả cao hơn.

Nguồn: phapluatxahoi

 

Bài viết khác:
 
 
    Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội
Địa chỉ: Tầng 6, Tòa nhà HT2, Khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hà Nội.
Email: ttkdclgd@vnu.edu.vn - Website: Cea.vnu.edu.vn