1. Chính phủ ban hành Nghị định 66/2025/NĐ-CP quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách Theo đó, Nghị định quy định đối tượng áp dụng gồm: Đối tượng trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên, gồm: Trẻ em nhà trẻ bán trú học tại cơ sở giáo dục mầm non; học sinh bán trú học tại cơ sở giáo dục phổ thông; học viên bán trú học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông; học sinh dân tộc nội trú học tại cơ sở giáo dục phổ thông được cấp có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ giáo dục học sinh dân tộc nội trú, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, Trường Hữu nghị 80, Trường Hữu nghị T78; học sinh dự bị đại học học tại trường dự bị đại học, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc. Đối tượng cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh được hưởng chính sách gồm: Cơ sở giáo dục mầm non công lập có tổ chức ăn, ngủ trưa cho trẻ em nhà trẻ bán trú; trường phổ thông dân tộc bán trú, cơ sở giáo dục phổ thông có tổ chức ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú; trường phổ thông dân tộc nội trú, cơ sở giáo dục phổ thông được cấp có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ giáo dục học sinh dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, Trường Hữu nghị 80, Trường Hữu nghị T78, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc. Các cơ sở trên được hưởng chính sách tại Nghị định này đối với đối tượng học sinh dân tộc nội trú, dự bị đại học. Về mức hưởng, Nghị định quy định trẻ em nhà trẻ bán trú sẽ được hỗ trợ tiền ăn trưa mỗi tháng là 360.000 đồng/trẻ và được hưởng không quá 9 tháng/năm học. >>> Xem toàn văn: Nghị định 66/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/5/2025 2. Thông tư 06/2025/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Theo Quy chế mới, sẽ không còn xét tuyển sớm. Thực tế những năm qua cho thấy, khi áp dụng xét tuyển sớm làm cho kỳ tuyển sinh kéo dài, thí sinh phải đi xin xác nhận kết quả học tập cấp trung học phổ thông (THPT) gửi nhiều cơ sở đào tạo dẫn tới tốn kém nguồn lực xã hội. Đặc biệt, nhiều cơ sở đào tạo gọi trúng tuyển sớm số lượng rất lớn nhưng số thí sinh nhập học rất ít, cho thấy việc xét tuyển sớm không hiệu quả. Bên cạnh đó, khi các cơ sở đào tạo xét tuyển sớm sử dụng kết quả học tập từ 1 đến 5 kỳ học tập THPT mà không sử dụng kết quả cả năm học lớp 12 (học kỳ 2) đã làm ảnh hưởng đến quá trình học tập và thi tốt nghiệp THPT của học sinh, từ đó ảnh hưởng tới năng lực học tập ở bậc đại học. Do vậy, để bảo đảm học sinh được trang bị đầy đủ kiến thức nền tảng cần thiết theo học chương trình đại học, từ năm nay Quy chế quy định không còn xét tuyển sớm. Quy chế mới cũng quy định khi sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh. Ngoài ra, nhằm bảo đảm sự đóng góp của kết quả học tập cả năm lớp 12 không quá thấp trong khi tính điểm xét, Quy chế quy định trọng số tính điểm xét của kết quả học năm lớp 12 không dưới 25%. >>> Xem toàn văn: Thông tư 06/2025/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 05/5/2025. 3. Thông tư 07/2025/TT-BGDĐT quy định về liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Theo đó, Thông tư này quy định về tổ chức thực hiện liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục giữa cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài. Thông tư này áp dụng đối với cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thực hiện liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Người học theo học tập trung toàn thời gian tại cơ sở giáo dục đại học Việt Nam hoặc tại cơ sở giáo dục đại học nước ngoài theo kế hoạch học tập ban hành trước khi bắt đầu khóa học. Việc tổ chức các lớp học trực tuyến phải tuân thủ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài về ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến. Việc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ để người học đạt trình độ ngoại ngữ đầu vào trước khi giảng dạy chính khóa được triển khai trong thời gian tối đa 12 tháng tính từ thời điểm người học được xác nhận trúng tuyển có điều kiện khi chưa đạt trình độ ngoại ngữ đầu vào của chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tổ chức hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục đại học khác triển khai giảng dạy các môn học bắt buộc cho người học là công dân Việt Nam theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kế hoạch giảng dạy; phân công giảng viên, người hướng dẫn đồ án, khóa luận, đề án, luận văn và luận án, cán bộ hỗ trợ học tập, cán bộ quản lý; tổ chức đăng ký học tập; tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá, công nhận hoàn thành môn học hoặc học phần; hướng dẫn, đánh giá và bảo vệ đồ án, khóa luận, đề án, luận văn, luận án; bảo lưu kết quả học tập; nghỉ học tạm thời, rút ngắn hoặc kéo dài thời gian học tập, buộc thôi học; công nhận tốt nghiệp, cấp văn bằng; xử lý vi phạm và những nội dung liên quan khác trong quá trình tổ chức đào tạo thực hiện theo quy định hiện hành của bên cấp bằng và thỏa thuận giữa hai bên. Giảng viên đang giảng dạy chương trình đào tạo tương ứng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài chủ trì và chịu trách nhiệm tổ chức giảng dạy không ít hơn 25% tổng khối lượng của chương trình liên kết đào tạo. |