Giới thiệu chung

Description: Thu - CEA TV trang.jpg

Đại học Quốc gia Hà Nội với sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực; góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước; làm nòng cột và đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD), đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tin tưởng giao xây dựng Đề án thành lập Trung tâm KĐCLGD vào năm 2013. 

Ngày 05/9/2013, Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định thành lập Trung tâm KĐCLGD - ĐHQGHN (Quyết định 3568/QĐ-BGDĐT) đặt tại ĐHQGHN, là trung tâm KĐCLGD đầu tiên được thành lập ở Việt Nam. Tiếp đó, ngày 17/12/2013, Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm (Quyết định 5919/QĐ-BGDĐT). Sau quá trình chuẩn bị các điều kiện về nhân lực kiểm định viên (KĐV), cơ sở vật chất, quy trình, phương pháp và các công cụ đánh giá, Trung tâm đã được Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định cấp phép hoạt động (Quyết định 5128/QĐ-BGDĐT ngày 04/11/2014). Trung tâm được phép thực hiện hoạt động KĐCLGD với các đối tượng là các cơ sở giáo dục đại học, các chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm, trừ các cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo thuộc thẩm quyền quản lý của ĐHQGHN. 

Trung tâm KĐCLGD - ĐHQGHN có con dấu, tài khoản riêng, thực hiện sứ mạng tổ chức thực hiện các dịch vụ công về KĐCLGD, tư vấn, giám sát việc đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục theo các chuẩn mực của quốc gia, của khu vực và quốc tế với tầm nhìn đến năm 2035 trở thành trung tâm đánh giá chất lượng có uy tín trong khu vực, đạt tiêu chuẩn của tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục quốc tế. Ngoài chức năng, nhiệm vụ chính là tổ chức các hoạt động đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cho các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm, các chương trình đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân; tổ chức hoặc tham gia tổ chức các hoạt động đánh giá chất lượng giáo dục trong nước và quốc tế theo quy định của Nhà nước, Trung tâm còn tư vấn cho các cơ sở giáo dục thực hiện cải tiến nâng cao chất lượng giáo dục sau khi được KĐCLGD; tổ chức các khóa bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về KĐCLGD và thực hiện các nhiệm vụ được ĐHQGHN giao.

Những kết quả chủ yếu của Trung tâm từ khi thành lập đến nay:

Về xây dựng cơ cấu tổ chức, phát triển đội ngũ: Hiện nay, Trung tâm đã kiện toàn cơ cấu tổ chức hoàn thiện gồm: Chi bộ có 11 đảng viên (01 Bí thư, 01 Phó Bí thư); Ban Giám đốc (01 Giám đốc và 01 Phó Giám đốc), Công đoàn (16 công đoàn viên), Đoàn thanh niên (10 đoàn viên), Hội đồng KĐCLGD (15 thành viên); 01 phòng chức năng, 02 phòng chuyên môn và 19 cán bộ làm việc trực tiếp (01 Phó Giáo sư, 03 TS, 11 ThS, 4 ĐH); 15 cán bộ ký hợp đồng làm việc toàn thời gian để thực hiện các hoạt động KĐCLGD. Trung tâm cũng đã xây dựng nguồn KĐV/đánh giá viên bao gồm: 1.709 học viên có chứng chỉ/chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo/bồi dưỡng nghiệp vụ KĐV (345 người có thẻ KĐV); 182 KĐV/đánh giá viên đã có hợp tác với Trung tâm (24 GS, 85 PGS, 68 TS và 05 ThS). Riêng ĐHQGHN có 193 KĐV/đánh giá viên (26% GS, PGS; 45% TS và 29% ThS) trong đó 53 cán bộ của ĐHQGHN đã tham gia hoạt động đánh giá ngoài do Trung tâm tổ chức.

Về xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý: Bên cạnh việc tuân thủ các văn bản quy định chung của Nhà nước, Bộ GDĐT, ĐHQGHN, Trung tâm đã xây dựng và ban hành đầy đủ hệ thống văn bản quản lý nội bộ và các quy trình, công cụ KĐCLGD; có đầy đủ hệ thống văn bản để triển khai các hoạt động đánh giá và công nhận chất lượng giáo dục; hợp tác phát triển; tổ chức cán bộ; thanh tra - pháp chế; hành chính; kế hoạch và tài chính; thi đua khen thưởng. Các văn bản của Trung tâm được định kỳ cập nhật, bổ sung theo các quy định hiện hành của pháp luật, của ĐHQGHN và phù hợp với thực tiễn.

Về hoạt động KĐCLGD: Tính đến tháng 3/2024, Trung tâm đã triển khai đánh giá ngoài cho 102 lượt cơ sở giáo dục đại học, 04 lượt trường cao đẳng sư phạm và 432 lượt chương trình đào tạo (398 trình độ ĐH, 31 trình độ ThS, 03 chương trình đào tạo cao đẳng sư phạm); trong đó đã thẩm định và cấp Giấy chứng nhận KĐCLGD cho 97 lượt cơ sở giáo dục đại học (40 trường đã đánh giá chu kỳ 2), 04 lượt trường cao đẳng sư phạm (01 trường đã đánh giá chu kỳ 2) và 387 chương trình đào tạo.

Về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ: Tính đến tháng 3/2024, Trung tâm đã tổ chức và phối hợp tổ chức 43 khoá đào tạo/bồi dưỡng nghiệp vụ KĐV với 1.847 học viên, trong đó 1.709 học viên đã được cấp chứng chỉ/chứng nhận hoàn thành chương trình. Trung tâm cũng đã tổ chức 31 hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho KĐV, cán bộ quản lý, giảng viên và cán bộ chuyên trách công tác bảo đảm chất lượng trong cả nước. Trung tâm đã triển khai 29 đợt tư vấn, tập huấn cho các cơ sở giáo dục về nâng cao năng lực đảm bảo và KĐCLGD.

Về hợp tác phát triển: 

i) Hoạt động hợp tác quốc tế: Trung tâm là thành viên của các mạng lưới đảm bảo chất lượng quốc tế: thành viên chính thức của Mạng lưới các Tổ chức Đảm bảo chất lượng giáo dục đại học quốc tế (INQAAHE) từ tháng 3/2019; thành viên liên kết của Mạng lưới đảm bảo chất lượng ASEAN (AQAN) từ tháng 5/2017; thành viên thường trực (đại diện của Việt Nam) trong Mạng lưới Cán bộ trẻ bảo đảm chất lượng của ASEAN (AYQON) năm 2019. Trung tâm đã tham gia Dự án EU-SHARE (2019-2022); Chủ trì 1 Dự án của INQAAHE (2023-2024). Trong khuôn khổ Dự án EU-SHARE, Trung tâm là tổ chức KĐCLGD đầu tiên của Việt Nam được đánh giá, tư vấn bởi các chuyên gia quốc tế theo tiêu chuẩn của Khung Đảm bảo chất lượng ASEAN (AQAF).

ii) Hoạt động hợp tác trong nước: Trung tâm có thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực KĐCLGD với 03 đại học vùng, có quan hệ hợp tác với Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng, Cục Đào tạo - Bộ Công an, một số Sở GDĐT; các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm trong cả nước. Trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác, Trung tâm đã triển khai rất nhiều hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các đánh giá viên, KĐV, các cán bộ chuyên trách công tác bảo đảm chất lượng và cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục về đảm bảo, KĐCLGD, quản trị đại học, xây dựng chuẩn đầu ra và phát triển chương trình đào tạo, v.v.  

Về nghiên cứu, giảng dạy: Các cán bộ của Trung tâm đồng thời tham gia các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy theo cơ chế sử dụng nguồn lực chung trong ĐHQGHN. Tính đến tháng 3/2024, Trung tâm đã hoàn thành 03 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và cấp ĐHQGHN; đã có 40 công bố khoa học, trong đó có 18 công bố quốc tế trong hệ thống Wos/Scopus và 22 bài báo trong nước về quản trị và quản lý trong giáo dục đại học; tham gia viết/xuất bản 12 sách, sách chuyên khảo và tham khảo; hướng dẫn được 21 thạc sĩ và 04 tiến sĩ. Đặc biệt, trong khuôn khổ hợp tác với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm đã hỗ trợ xây dựng ngân hàng đề thi gồm 380 đề thi để đánh giá, tuyển chọn KĐV KĐCLGD nghề nghiệp. Trung tâm cũng đã xây dựng được ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực của KĐV phục vụ bồi dưỡng nghiệp vụ cho KĐV giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm. Các sản phẩm nghiên cứu của Trung tâm có 01 chứng nhận bản quyền phần mềm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp; 01 sản phẩm đang làm thủ tục để đăng ký bản quyền.

Về cơ sở vật chất: Hiện tại, Trung tâm có trụ sở làm việc ở Tòa nhà HT2, Khu đô thị ĐHQGHN, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hà Nội. Trung tâm được ĐHQGHN giao diện tích sử dụng với 09 phòng làm việc và phòng họp; có trang thiết bị, cơ sở hạ tầng đảm bảo đủ cho cán bộ và KĐV làm việc theo quy định. Ngoài ra, Trung tâm còn có hệ thống trang thiết bị và cơ sở vật chất sử dụng chung của ĐHQGHN, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức các hoạt động.

Về các hoạt động dịch vụ, đóng góp phục vụ cộng đồng: Trung tâm đã tích cực tham gia các hoạt động tư vấn chính sách về đảm bảo và KĐCLGD, tham gia góp ý hoàn thiện hệ thống văn bản, đề xuất các chủ trương, chính sách về KĐCLGD cho Bộ GDĐT; tư vấn, tập huấn nâng cao năng lực về công tác bảo đảm chất  lượng của các cơ sở giáo dục, cải tiến nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo; chủ động tham gia các hoạt động nghiên cứu, tư vấn góp phần nâng cao năng lực về đảm bảo và KĐCLGD cho các KĐV. Trung tâm tích cực tham gia xây dựng 14 văn bản pháp quy, hướng dẫn nghiệp vụ trong lĩnh vực đảm bảo và KĐCLGD của Bộ GDĐT. Ngoài ra, Trung tâm cũng hỗ trợ các trường đại học hướng dẫn được 11 sinh viên thực tập và 60 lượt sinh viên kiến tập các hoạt động KĐCLGD. Trung tâm cũng tích cực tham gia các hội đồng tư vấn, xây dựng các chính sách về đảm bảo chất lượng trong giáo dục đại học.

Về các hoạt động đoàn thể: Trung tâm có tổ chức Công đoàn được thành lập năm 2014, các đoàn viên thanh niên của Trung tâm sinh hoạt cùng Chi đoàn Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN. Dưới sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chi bộ Trung tâm, Công đoàn Trung tâm đã tổ chức được nhiều hoạt động chăm lo đời sống và bảo vệ quyền lợi cho cán bộ, viên chức, người lao động. Từ khi thành lập đến nay, hằng năm, Công đoàn Trung tâm đều được đánh giá là Công đoàn cơ sở vững mạnh. Năm 2023, Công đoàn Trung tâm đã được nhận Bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Chi đoàn Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục cũng nhiều năm liền được Thành đoàn Hà Nội tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên.

Các thành tích thi đua khen thưởng đã đạt được: Với nhiều nỗ lực, phấn đấu, Trung tâm đã đạt được các danh hiệu: Tập thể lao động xuất sắc (2021; 2022; 2023); Cờ thi đua của ĐHQGHN năm 2022, 2023; Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN (2019; 2023); Bằng khen Bộ trưởng Bộ GDĐT về thành tích xuất sắc trong quá trình 15 năm xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm và KĐCLGD (2021); Bằng khen Bộ trưởng Bộ GDĐT về thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập (2013 - 2023).
Bài viết khác:
 
 
    Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội
Địa chỉ: Tầng 6, Tòa nhà HT2, Khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hà Nội.
Email: ttkdclgd@vnu.edu.vn - Website: Cea.vnu.edu.vn